Thực tế đã chứng minh, một số em nhỏ có khả năng vượt trội về ngôn ngữ so với những bạn cùng trang lứa. Nhưng mọi đứa trẻ đều có thể cải thiện khả năng tiếp thu ngôn ngữ ở giai đoạn mầm non.
Việc đặt nền móng vững chắc cho ngôn ngữ không chỉ mở ra cánh cửa tri thức cho trẻ mà còn là dấu chân đầu tiên trên hành trình trẻ tự khám phá và tìm hiểu thế giới. Trẻ sẽ nhanh chóng lĩnh hội những tri thức mới, trở thành những nhà phiêu lưu thông minh, sẵn sàng chinh phục mọi thử thách trong cuộc sống. Với thông điệp “ngôn ngữ có vai trò quan trọng” mà còn là lời mời gọi chúng ta cùng đồng lòng xây dựng tương lai tốt đẹp cho thế hệ sau – nơi mỗi đứa trẻ được trao khả năng tỏa sáng và đóng góp những giá trị tốt đẹp cho thế giới.
Cuốn sách là một hướng dẫn toàn diện về phát triển ngôn ngữ cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi dành cho cha mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ, được xây dựng bởi cô Cao Thị Bích Trâm - giáo viên mầm non, chuyên gia giáo dục và chuyên viên phát triển trẻ em.
Đây là một nguồn tư liệu quan trọng và hữu ích được thiết kế nhằm cung cấp những kiến thức và công cụ cần thiết để hỗ trợ; đồng hành để tạo ra môi trường ngôn ngữ thích hợp; xây dựng một nền tảng vững chắc để cho trẻ phát triển ngôn ngữ trong giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi.
Trích đoạn sách hay
1. “Đa dạng cá nhân là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Mỗi trẻ sẽ có sở thích và năng lực ngôn ngữ riêng, có thể tiếp thu và sử dụng ngôn ngữ theo cách riêng của mình.
Những người chăm sóc trẻ cần nhận biết và tôn trọng sự đa dạng này, không so sánh và áp đặt một tiêu chuẩn duy nhất về phát triển ngôn ngữ cho tất cả trẻ. Thay vào đó, người chăm sóc trẻ, giáo viên, cha mẹ… cần tạo ra một môi trường học tập phù hợp, tôn trọng sự khác biệt và khuyến khích sự phát triển ngôn ngữ tự nhiên của từng trẻ.
Điều này có thể đạt được bằng cách cung cấp các hoạt động và tài liệu phù hợp với sở thích và năng lực ngôn ngữ của từng trẻ. Ví dụ, một trẻ có khiếu về ngôn ngữ viết có thể được khuyến khích tham gia viết câu chuyện hoặc viết nhật ký, trong khi một trẻ khác có khiếu về ngôn ngữ nói có thể được khuyến khích tham gia các hoạt động trò chuyện hoặc diễn kịch.”
2. Trẻ chậm nói
Chậm nói nghĩa là trẻ phát triển ngôn ngữ chậm hơn so với những đứa trẻ cùng lứa tuổi. Một trẻ chậm nói có thể có khó khăn trong việc nói và hiểu ngôn ngữ, gây ra sự chậm trễ trong việc diễn đạt ý kiến, suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Các đặc điểm của trẻ chậm nói có thể bao gồm:
- Việc diễn đạt ngôn ngữ bị hạn chế, sử dụng từ ngữ đơn giản và câu ngắn gọn.
- Khó khăn trong việc phát âm đúng các âm và từ ngữ phức tạp.
- Ngôn ngữ chưa phong phú và đa dạng.
- Khả năng nghe và hiểu ngôn ngữ cũng có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt khi nghe và hiểu các câu nói phức tạp hoặc có nhiều từ ngữ mới.
Trẻ chậm nói có thể cần hỗ trợ và giúp đỡ để phát triển ngôn ngữ. Ví dụ như sự tư vấn và hướng dẫn từ các chuyên gia, phương pháp giáo dục và hoạt động thích hợp để tăng cường kỹ năng ngôn ngữ của trẻ. Cùng với sự kiên nhẫn và đồng hành của gia đình và cộng đồng, trẻ chậm nói có thể vượt qua các thách thức và phát triển thành người nói và người nghe tự tin.”