Richard Rhodes - Tác giả từng đoạt Giải thưởng Pulitzer và Giải thưởng Sách Quốc gia tiết lộ lịch sử hấp dẫn đằng sau sự chuyển đổi năng lượng theo thời gian — gỗ thành than, dầu thành điện và xa hơn nữa.
Mục đích quan trọng của cuốn sách là khám phá lịch sử năng lượng; làm sáng tỏ thêm những lựa chọn mà chúng ta đang phải đối mặt trước thách thức của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cuốn sách là tập hợp những câu chuyện về hành trình chinh phục và khai thác các nguồn nguyên liệu để lấy năng lượng, phục vụ cho cuộc sống của một xã hội loài người ngày một tiến bộ.
Hành trình bắt đầu ở Anh với những rừng cây lấy gỗ và đóng thuyền. Khi nguồn gỗ cạn kiệt, con người chuyển sang than, từ đó đặt ra bài toán hóc búa của việc khai thác than trong mỏ mà không bị ngập nước. Các phát minh về hệ thống thiết bị bơm dùng sức nước và hơi nước đã phục vụ cho mục đích khai mỏ này. Ngoài than, con người còn tận dụng nhiều nguồn nhiên liệu khác trong tự nhiên như dầu thông, dầu cá voi, phân chim, khí đốt. Một bước tiến đột phá đã xuất hiện sau đó khi các nhà khoa học tìm ra quy luật của dòng điện, từ đó tạo ra pin tích điện và cuối cùng là sự lựa chọn giữa dòng điện một chiều hay xoay chiều. Rất nhiều các phát minh qua nhiều thời kỳ được đề cập trong cuốn sách này, từ động cơ, đầu máy, cho tới xe ô tô, đường ống dẫn khí, năng lượng hạt nhân.
Cùng với sự tiến bộ cũng là vấn đề nan giải về ô nhiễm môi trường phát sinh khắp toàn cầu. Là người ủng hộ năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo, tác giả tin tưởng rằng con người có thể chuyển dịch sang các dạng năng lượng này vì một tương lai tốt đẹp hơn.
Đánh giá/ Nhận xét của chuyên gia:
“Đây vừa là một tác phẩm lịch sử vừa là một câu chuyện đạo đức được viết ra một cách say mê Rhodes hi vọng rằng cái nhìn phê phán về những công nghệ năng lượng trong quá khứ sẽ mang lại lợi ích cho những công nghệ năng lượng trong tương lai.”
– Science Magazine
“Câu chuyện về nhu cầu, sự tò mò, sự khéo léo và tính kiêu ngạo của con ngườ Cuốn sách dành cho bất kỳ ai quan tâm đến tác động của con người đối với tương lai của thế giới.”
– BookPage
Trích đoạn hay:
Mục đích quan trọng của cuốn sách là khám phá lịch sử năng lượng; làm sáng tỏ thêm những lựa chọn mà chúng ta đang phải đối mặt trước thách thức của biến đổi khí hậu toàn cầu. Những người trong ngành năng lượng nghĩ rằng chúng ta coi năng lượng là điều hiển nhiên. Họ nói rằng chúng ta chỉ quan tâm đến nó khi đến cây xăng hoặc khi tìm ổ cắm trên tường. Có thể đó từng là sự thật, nhưng bây giờ thì khác. Biến đổi khí hậu nay là một vấn đề chính trị lớn. Hầu hết chúng ta đều biết đến nó và ngày càng quan tâm tâm, lo lắng về nó. Các ngành nghề bị nó thách thức. Năng lượng phủ bóng lên nền văn minh nhân loại với sự u ám của mối đe dọa về ngày tận thế như nỗi lo sợ hủy diệt hạt nhân trong những năm dài Chiến tranh Lạnh.
Song, nhiều người cảm thấy bị ra rìa trong cuộc thảo luận này. Các tài liệu về biến đổi khí hậu chủ yếu có tính kỹ thuật nhưng các cuộc tranh luận thì bị giữ bí mật. Nó tập trung vào tình hình hiện tại mà rất ít tham khảo quá khứ nhân loại – hàng thế kỷ bài học xương máu. Vậy nhưng, những thách thức của ngày hôm nay lại chính là di sản của những quá trình chuyển đổi lịch sử của ngày hôm qua. Gỗ nhường chỗ cho than, và than nhường chỗ cho dầu, than và dầu hiện đang nhường chỗ cho khí đốt tự nhiên, điện hạt nhân và năng lượng tái tạo. Động cơ chính (hệ thống chuyển đổi năng lượng thành cơ năng) đã chuyển từ sức động vật và sức nước sang động cơ hơi nước, động cơ đốt trong, máy phát điện và động cơ điện. Chúng ta đã học hỏi từ những thách thức như vậy, làm chủ quá trình chuyển đổi và tận dụng các tiềm năng của chúng.
Con người sinh ra và chết đi, các doanh nghiệp thịnh vượng rồi suy vong, các quốc gia vươn lên thành cường quốc thế giới hoặc suy tàn, tất cả diễn ra trong sự tranh chấp về những thách thức năng lượng. Cuốn sách này chứa đầy những câu chuyện về con người, một dàn nhân vật trải dài bốn thế kỷ, bao gồm các nhân vật lịch sử như Elizabeth I, James I, John Evelyn, Abraham Darby, Benjamin Franklin, Thomas Newcomen, James Watt, George Stephenson, Humphry Davy, Michael Faraday, Herman Melville, Edwin Drake, Ida Tarbell, John D. Rockefeller, Henry Ford, Enrico Fermi, Hyman Rickover, những ông trùm than ở bang Pennsylvania cũ, và những ông trùm dầu mỏ ở California và Arab Saudi – là đại diện cho những người được nhắc đến.
Những đại dương bao la của loài cá voi cũng bước vào câu chuyện. Dầu từ cơ thể chúng thắp sáng thế giới. Dầu mỏ rỉ ra từ giếng, và một giảng viên hóa học Đại học Yale tự hỏi có thể sử dụng nó vào việc gì. Ngựa gây ô nhiễm đô thị với phân chuồng, thách thức sức khỏe cộng đồng ngày càng tăng, và khi ô tô thay thế chúng, nhóm dân làm nghề cung ứng thức ăn cho ngựa vĩnh viễn rơi vào khủng hoảng. Sự phát triển của hàn hồ quang điện đã mở đường cho sự phát triển của hệ thống đường ống dẫn khí đốt tự nhiên. Năng lượng hạt nhân tuyên bố sự có mặt của mình bằng cách thiêu rụi hai thành phố Nhật Bản, một vết nhơ gần như không thể xóa nhòa.
Bản thân sự nóng lên toàn cầu, với bằng chứng được tích lũy dần dần qua một thế kỷ quan sát với nỗi lo ngại ngày càng tăng, gây ra một cuộc đối đầu trên toàn thế giới về ý thức hệ và lợi ích nhóm. Năng lượng gió, năng lượng dồi dào từ ánh sáng mặt trời, nguồn cung cấp than và khí đốt tự nhiên khổng lồ tranh giành vị thế thống trị trong một thế giới hỗn loạn đang tiến tới dân số mười tỉ linh hồn vào năm 2100. Hầu hết trong số họ là cư dân Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đông dân nhất trên thế giới, hiện đang chuyển từ mức vừa đủ sống sang mức thịnh vượng, dẫn tới sự gia tăng tiêu thụ năng lượng tương ứng. Năng lượng thì vẫn còn, nhưng Trái đất có thể hứng chịu rác thải từ việc tiêu thụ nó không?
[]
Khoa học vệ sinh đô thị vào những năm cuối của thế kỷ 19 mới bắt đầu biết đến các vật trung gian vô hình của bệnh tật, tập trung vào rác thải như dấu hiệu cảnh báo, nhất là ruồi. Trước đó, ruồi đã được coi là có sức hút và thân thiện tuyệt vời, chứ không phải là loài dọn rác. “Những chú ruồi thông thường dường như luôn vo ve vui đùa,” một người quan sát đã viết vui vào năm 1859, “chúng đuổi theo nhau và nhảy những vòng tròn ham chơi dưới tia nắng mặt trời.” Đến cuối thế kỷ 19, theo báo cáo từ các bác sĩ về sức khỏe cộng đồng, ruồi từ một loài côn trùng thân thiện trở thành mối đe dọa cho sức khỏe và tổ ấm gia đì Sự nguy hiểm của nó đã bị cường điệu tới mức đôi khi nó trở thành một sát thủ lão luyện như muỗi truyền bệnh sốt vàng và sốt rét. Các quan chức y tế tìm cách biến ý niệm về mầm bệnh thành một thứ vũ khí thiết thực và dễ hiểu cho phòng chống bệnh tật. Để làm điều này, họ miêu tả ruồi là thứ mầm bệnh có chân.” Ruồi, dĩ nhiên, bâu đầy vào phân ngựa; ấu trùng ruồi lấy thức ăn từ đó. Cục trưởng Cục sâu bệnh thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính vào năm 1895, phân ngựa có mặt khắp nơi chính là nguồn phát sinh 95% tổng số ruồi ở Mỹ.
[]
Shushkevich nói với tôi rằng ông ấy nghĩ ngay đến những đứa trẻ xấu số trên đường đi của bụi phóng xạ. Thành phần đe dọa nhất của nó sẽ là i-ốt 131, một sản phẩm phân hạch với thời gian bán rã ngắn chỉ tám ngày, phát ra các chùm hạt beta và tia gamma năng lượng cao. Nó sẽ xâm nhập một cách chọn lọc bởi tuyến giáp, đặc biệt là với tuyến giáp khỏe khoắn của trẻ em. Phòng ngừa tiêu chuẩn chống nhiễm xạ i-ốt 131 là một liều kali i-ốt, một loại muối làm bão hòa tuyến giáp và tạm thời ngăn chặn sự hấp thu i-ốt. Mỗi nơi trú ẩn ở Liên Xô đều có một nguồn cung cấp kali i-ốt. Để bảo vệ trẻ em Minsk, Shushkevich đã gọi cấp trên của mình ở Moscow để xin phép lấy thuốc cứu trẻ em. “Họ trả lời,” ông kể với tôi, mười năm sau vẫn giận điên người, “‘Đồng chí à, sao anh lại rắc rối thế? Anh muốn bắt đầu một cuộc bạo loạn à? Câm miệng và quay trở lại làm việc đi.’”
Là một người đàn ông điềm tĩnh, lôi cuốn và yêu nước nhiệt thành, Shushkevich hạ quyết tâm ngay lúc đó rằng ông phải dấn thân vào chính trị. Theo thời gian ông trở thành Chủ tịch Hội đồng Xô-viết Tối cao Belarus. Vào ngày 18 tháng 12 năm 1991, ông là một trong ba nhà lãnh đạo tối cao, cùng với Tổng thống Nga Boris Yeltsin và Tổng thống Ukraine Leonid Kravchuk, ba người đã ký văn bản giải thể Liên Xô. Sau đó, với tư cách là người đứng đầu nhà nước Belarus, ông đã chuyển tất cả số lượng lớn vũ khí hạt nhân trên đất Belarus trở lại Nga, không muốn dính dáng gì đến chúng hay với lực lượng quân đội Nga canh giữ chúng.
Theo tính toán của Shushkevich, vụ tai nạn Chernobyl là một thất bại của chính phủ, chứ không phải của công nghệ. Nếu nhà máy điện hạt nhân Liên Xô không thiết kế sử dụng kép, tức là được thiết kế để sản xuất plutonium quân sự cũng như điện dân sự thì bí mật hay các vấn đề với lò phản ứng đáng lẽ sẽ được chia sẻ với các nhà quản lý tại các trạm phản ứng khác, dẫn đến các cải tiến an toàn như quy chuẩn được đưa vào lò phản ứng của Mỹ sau vụ tai nạn tại đảo Three Mile và vào các lò phản ứng của Nhật Bản hậu Fukushima.