Nhiều độc giả sau khi đọc cuốn Những Con Đường Đưa Về Núi Thứu có thể đã đặt ra câu hỏi: Trong những con đường đi về núi Thứu ấy, Làng Mai đã chọn con đường nào? Con đường mà Làng Mai chọn có thể là con đường ngắn nhất và dễ chịu nhất để đi về núi Thứu hay không? Câu trả lời có thể tìm thấy một cách từ từ trong sách Làng Mai Nhìn Núi Thứu mà bạn đang cầm trên tay đây. Làng Mai (Đạo Tràng Mai Thôn) đã học hỏi, đã thực tập và cố nhiên đã chọn con đường của mình trong khi quán chiếu, trải nghiệm và xem xét những con đường vạch ra trong lịch sử Phật giáo. Đọc sách Những Con Đường Đưa Về Núi Thứu, độc giả đã thấy được tổng quát quá trình thành lập các tông phái Phật giáo và đại ý nội dung của từng tông phái. Ngoài cái thao thức muốn tìm hiểu bản ý của người khai mở con đường là Bụt, Làng Mai còn có cái thao thức muốn học và thực tập như thế nào để trong khi trung thành với giáo lý Nguyên thỉ vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu tu tập và chuyển hóa của thời đại mình. Các tông phái từ thời đại Phật giáo bộ phái cho đến thời đại Phật giáo đại thừa đều đã làm như thế và cố nhiên là Làng Mai cũng đã làm như thế. Có thể cái thấy của mình hôm nay sẽ được thay đổi để nhường chỗ cho một cái thấy sâu sắc và thật dụng hơn trong ngày mai. Trung thành với truyền thống cởi mở và không giáo điều của đạo Bụt, Làng Mai luôn mở rộng cửa cho sự thay đổi, cho nên không hê' có thái độ giáo điều và cứ khăng khăng cho rằng chỉ có cái thấy của mình là đúng. Đó là sự thực tập thường xuyên để xóa bỏ sở tri chướng và để luôn luôn có cơ hội đi lên. úng ta từ lâu đã bị ảnh hưởng tinh thần “thuật nhi bất tác” lập lại mà không sáng tác, thái độ này là thái độ tín đồ hơn là thái độ học giả. Chúng ta phải có can đảm phê phán những gì ta đã tiếp thu, học hỏi, trên kinh nghiệm thực tập và quán chiếu của chúng ta. Có như thế chúng ta mới thành lập được một nền Phật học thật sự Việt Nam, chứ không phải chỉ là một bản sao của đạo Bụt Trung Quốc. Chúng ta phải có cơ hội lắng nghe nhau, trao đổi với nhau, thực tập với nhau thì chúng ta mới có thể cùng nhau cống hiến cho đất nước một nền Phật giáo dân tộc. Phật giáo Việt Nam không thể nào chỉ là một bản sao của Phật giáo Trung Quốc hay Phật giáo Tây Tạng.
------------------------
Phiên bản sách: Phiên bản thường
Công ty phát hành: Phương Nam Book
Ngày xuất bản: 2021-06-15 00:00:00
Nhà xuất bản: Nhà Xuất Bản Hồng Đức