Những tổn thương mà các em phải chịu trong giai đoạn thơ ấu sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng và kéo dài. Với những câu chuyện về sang chấn tuổi thơ và những hệ lụy đau lòng của nó được sắp xếp trong bố cục hợp lý và chặt chẽ, toàn bộ cuốn sách có thể giúp độc giả có cái nhìn tổng quan về phương pháp chữa lành được bác sĩ Perry cùng đồng sự xây dựng thành công và áp dụng rộng rãi – Mô hình trị liệu thần kinh tuần tự. Giàu thông tin và đầy cảm xúc, cuốn sách đã làm sáng tỏ một thực tế rằng chỉ khi thấu hiểu quá trình phát triển của não bộ và cơ chế hoạt động của tâm trí, ta mới có hy vọng ngăn ngừa và chữa lành nỗi đau tinh thần của trẻ em.
– – – – – – –
Nói đến sang chấn ở trẻ em, rất nhiều người lớn sống với định kiến sai lầm rằng trẻ em không biết gì, mọi chuyện sẽ chóng qua và trẻ sẽ quên hết. Thực tế, khi gặp phải sang chấn, trẻ em mới chính là đối tượng phải chịu những tác động nghiêm trọng và lâu dài hơn cả, có khi kéo dài cả đời. Những gì các em không biểu đạt, chia sẻ được bằng lời sẽ được biểu lộ qua các phản ứng mang tính bản năng, vô thức, thường khiến người lớn nhầm tưởng các em mắc các khiếm khuyết bẩm sinh về thể chất hoặc các chứng rối loạn tâm lý như ADHD, ADD… Thông qua các câu chuyện, tác giả đã trình bày tác động của sang chấn trong quá trình phát triển, tình trạng bỏ bê, những mối gắn bó bị gián đoạn và những tổn thương thời ấu thơ lên trẻ em; từ đó hỗ trợ tiến trình hồi phục của hàng trăm đứa trẻ gặp sang chấn nghiêm trọng trong giai đoạn đầu đời.
QUOTES:
– Mặc dù hầu hết các phụ huynh đều đặt lợi ích của con cái mình lên hàng đầu, nhưng sự thật là những đứa trẻ rối nhiễu thường có phụ huynh rối nhiễu, và có thể họ chính là nguyên nhân trực tiếp khiến đứa trẻ gặp vấn đề.
– Những nạn nhân của sang chấn và tình trạng bị bỏ bê thời thơ ấu sẽ cần đến những trải nghiệm – chẳng hạn như được đung đưa và ôm ấp – phù hợp với độ tuổi khi các em gặp tổn thương hay bị bỏ mặc, chứ không phải theo độ tuổi thực tế.
– Càng có nhiều mối quan hệ lành mạnh thì một đứa trẻ càng có nhiều khả năng hồi phục sau sang chấn và phát triển mạnh mẽ. Các mối quan hệ chính là tác nhân của sự thay đổi và liệu pháp hiệu quả nhất chính là tình yêu thương của con người.
– Quá trình phục hồi sau sang chấn và tình trạng bỏ bê cũng liên quan đến các mối quan hệ – xây dựng lại niềm tin, lấy lại sự tự tin, tìm lại cảm giác an toàn và kết nối lại với tình yêu.
– Thứ có tác dụng chữa lành là bất cứ điều gì làm gia tăng số lượng và chất lượng những mối quan hệ của các em. Thứ giúp ích cho các em là sự chăm sóc yêu thương diễn ra theo cách nhất quán, kiên nhẫn, lặp đi lặp lại.
– Để một đứa trẻ trở nên tử tế, biết cho đi và đồng cảm, thì bản thân em cần được đối xử đúng theo cách đó.
– Những đứa trẻ rắc rối thường phải chịu đựng một nỗi đau nào đó – và nỗi đau khiến người ta trở nên dễ nổi cáu, lo âu và hung hăng. Không hề có phương pháp chữa lành ngắn hạn thần kỳ nào cả, mà chỉ có sự chăm sóc một cách kiên nhẫn, yêu thương và nhất quán mới mang lại hiệu quả. Điều này đúng với một đứa trẻ ba, bốn tuổi và cũng đúng với một thiếu niên.